SAF được hiểu là nhóm các loại nhiên liệu hàng không không dựa vào hóa thạch có thể giảm phát thải các-bon. SAF được thiết kế để thân thiện với môi trường, có khả năng kinh tế và được chấp nhận xã hội. Nguồn nhiên liệu này được sản xuất từ các nguồn tài nguyên bền vững như dầu thải (bao gồm dầu ăn đã sử dụng), sinh khối không dùng để làm thức ăn (như phụ phẩm nông nghiệp và sinh khối gỗ), thậm chí là rác thải đô thị. Những loại nhiên liệu này có thể được sử dụng mà không cần chỉnh sửa động cơ máy bay hay cơ sở hạ tầng phân phối nhiên liệu.
Từ đầu thập niên 2000, SAF đã được nghiên cứu và đến năm 2008, chuyến bay thương mại đầu tiên (Virgin Atlantic) từ Luân Đôn đến Amsterdam, sử dụng hỗn hợp dầu dừa và dầu babassu với 80% nhiên liệu máy bay thông thường.
Năm 2011, được sự chấp thuận của Hiệp hội Mỹ về kiểm tra vật liệu (ASTM) cho phép sử dụng hỗn hợp SAF lên đến 50%. Năm 2011, Air Granxe thực hiện chuyến bay đến Paris đến Amsterdam sử dụng hỗn hợp SAF 50%. Năm 2021, hơn 350.000 chuyến bay sử dụng SAF. ATA đặt mục tiêu Net Zero cho ngành hàng không đến năm 2050.
Chuyên gia về lĩnh vực hàng không đến từ Bỉ – chuyên thiết kế, xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp nạp nhiên liệu tại các cảng hàng không, cho rằng để đảm bảo SAF đáp ứng tiêu chí bền vững, các hệ thống chứng nhận, kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu dọc theo chuỗi cung ứng SAF được thực hiện trong toàn bộ vòng đời – tức là kiểm soát từ nhà cung cấp nguyên liệu cho đến khâu pha trộn, phát thải.
Theo đó, nguồn nguyên liệu của SAF cần đảm bảo nguồn nguyên liệu tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và SAF cũng được truy xuất nguồn gốc nguyên liệu bền vững thông qua chuỗi SAF. Cuối cùng là lượng phát thải trong toàn bộ vòng đời của SAF – cần xác định được lượng giảm thải của sản phẩm SAF cuối cùng.
Điểm đặc biệt là có khả năng truy nguồn để có thể theo dõi các sản phẩm và nguyên liệu thông qua chuỗi cung ứng nhưng cũng có thể cho biết sản phẩm được làm từ gì và chúng đã được xử lý như thế nào.
Chuỗi hành trình sản phẩm đề cập đến quá trình chuyển giao, giám sát và kiểm soát đầu vào và đầu ra cũng như các thông tin cụ thể liên quan khi chúng di chuyển trong chuỗi cung ứng. Điều này mang lại sự tin cậy rằng một lô nguyên liệu, sản phẩm được chuyển giao, giám sát và kiểm soát trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Chứng nhận Các-bon và Bền vững Quốc tế (ISCC) và Hội nghị bàn tròn về Vật liệu sinh học bền vững (RSB) đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn chứng nhận để hỗ trợ thị trường SAF rộng lớn hơn. Một số được phê duyệt theo các quy định cụ thể, như tiêu chuẩn ICAO CORSIA và EU RED II, tiêu chuẩn toàn cầu ISCC PLUS và RS…
Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng yêu cầu đánh giá bởi một cơ quan chứng thực độc lập được công nhận chính thức, theo các yêu cầu do hệ thống chứng nhận đặt ra. Trường hợp đáp ứng được các tiêu chí bền vững, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ xác nhận việc tuân thủ các yêu cầu của hệ thống chứng nhận. Chứng chỉ này cho phép doanh nghiệp sản xuất SAF từ nguyên liệu được chứng nhận phù hợp với các yêu cầu về tính bền vững trong cùng hệ thống chứng nhận.
ISCC CORSIA (International Sustainability and Carbon Certification CORSIA) là một trong những hệ thống chứng nhận quốc tế quan trọng nhất dành cho nhiên liệu hàng không bền vững. ISCC CORSIA được thiết kế nhằm đảm bảo rằng SAF đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về tính bền vững và giảm phát thải carbon, phù hợp với các yêu cầu của chương trình CORSIA (Carbon Offsetting and Reduction Scheme for International Aviation) của ICAO.
Chứng nhận ISCC CORSIA không chỉ giúp xác nhận tính bền vững của SAF mà còn đảm bảo rằng nhiên liệu này góp phần vào mục tiêu giảm phát thải carbon của ngành hàng không. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia và hãng hàng không đang tìm cách đáp ứng các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải.
Năm 2022, tại phiên toàn thể lần thứ 41 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), các cơ quan hàng không đã cùng nhau cam kết về mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, các viện nghiên cứu, các hãng cung cấp nhiên liệu hàng không đã tích cực đầu tư nghiên cứu các công nghệ sản xuất SAF.
Tại Singapore cũng đã có kế hoạch yêu cầu tất cả các chuyến bay khởi hành từ đất nước này phải sử dụng SAF từ năm 2026 – nỗ lực đưa ngành hàng không chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh hơn. Quốc gia này cũng có kế hoạch nâng lên 3-5% vào năm 2030, tùy theo sự phát triển toàn cầu, tính phổ biến và mức độ áp dụng rộng rãi của SAF.
Ở Việt Nam, vấn đề SAF đang gặp một số khó khăn.
Thứ nhất là nguyên liệu đầu vào hạn chế nguồn cung, hiện cũng đang sử dụng cho ngành công nghiệp khác. Hơn hết nguyên liệu đầu vào cũng cần sự bền vững và chứng nhận.
Thứ hai là phát triển chuỗi cung ứng: Từ thu thập nguồn nguyên liệu đầu vào đến sản xuất và phân phối tạo thành chuỗi cung ứng phức tạp; cần nguồn vốn rất lớn cho chuỗi.
Thứ ba về thách thức kỹ thuật, chứng nhận: Công nghệ pha chế phức tạp; chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn (DEF STAN 91-091 & ASTM standards); chứng nhận đảm bảo việc vận hành.
Thứ tư các quy định pháp lý: Mỗi khu vực một quy định pháp lý; cần cập nhật khung pháp lý cho việc áp dụng SAF.
SAF có thể giảm đáng kể phát thải các bon của nhiên liệu hàng không. Chúng được thiết kế để thân thiện hơn với môi trường và có thể giảm lượng khí thải CO2 lên đến 80% trong suốt vòng đời so với nhiên liệu máy bay thông thường.
Nguồn: https://plo.vn/nhien-lieu-hang-khong-ben-vung-viet-nam-dang-o-dau-trong-xu-the-post786784.html